LC—Blog_01
NHẬT KÝ - BLOG 1

Chuyện học chữ

NGÀY ĐĂNG TẢI
10 THÁNG 10, 2020
ĐƯỢC VIẾT BỞI
HÀ MAI THY
LC—Blog_01
Đây là Mai Thy

Chào các bạn! Mình là Mai Thy. Mình cộng tác về nội dung hoặc có thể xem là cây bút của Lưu Chữ. Hiện tại mình đang sinh sống và làm việc ở Úc sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành thiết kế (Communication Design) ở RMIT Melbourne. Ngoài làm thiết kế đồ hoạ, mình theo đuổi chính con đường về nghiên cứu và tạo mẫu chữ.

Với mình, chữ cũng như ẩm thực vậy. Chữ giúp mình hiểu thêm về lịch sử, ngôn ngữ và văn hóa của một đất nước. Những hình ảnh, những mẫu chuyện nhỏ về các bảng hiệu mà các anh chị chia sẻ qua dự án Lưu Chữ đã trở thành động lực để mình học và tìm tòi về nguồn gốc của chữ viết tiếng Việt (Chữ Quốc ngữ). Lên đại học, mình cũng được học thêm và thực hành các dự án liên quan đến Typography (ứng dụng Chữ trong lĩnh vực đồ hoạ). Ở Việt Nam, khái niệm về việc học và tạo mẫu chữ cũng còn khá mới mẻ. Gia đình và bạn bè hay hỏi mình thiết kế chữ là làm gì, sao lại phải vẽ thêm phông chữ? Nhân cơ hội tham gia Lưu Chữ này, mình cũng muốn được chia sẻ với các bạn những câu chuyện thú vị xoay quanh việc học và làm chữ mà mình đã và được trải nghiệm.

Chữ đã rất đặc biệt với mình từ những ngày bắt đầu cắp sách đến trường. Nếu có thể gọi tên cho quá trình đi học chữ của mình thì có thể chia nhỏ thành 4 giai đoạn: học viết - học gõ - học sử dụng - học làm chữ. Các giai đoạn này có gì thú vị, có tác động gì trong việc mình thích chữ, để mình kể thêm cho các bạn nghe nhé!

LC—Blog_01
Tiểu học: Học viết chữ

HỌC VIẾT CHỮ

Mình còn nhớ hồi tiểu học có các cuộc thi vở sạch chữ đẹp, cô chủ nhiệm sẽ chọn ra một hoặc hai bạn viết chữ đẹp nhất để đi thi cấp trường. Lúc đó, cô đã chọn ra một bạn để đại diện cho lớp, làm mình cũng hơi ganh tị. Mình thắc mắc không biết nên viết thế nào thì mới được cô chọn nhỉ? Viết thế nào thì được xem là chữ đẹp? Vì sao lại phải móc cái đuôi lên khi viết các chữ như 'a', 'h', 'i', 'n',...? Chữ 'b' khi viết thì cong hai ba vòng trong khi trong sách giáo khoa thì lại viết in. 'x' thì như hai chữ 'c' đang đối mặt nhau. Rồi 'r' và 's' cũng viết hoàn toàn khác với chữ in trong sách giáo khoa. Lại còn phải viết nét thanh nét đậm nữa chứ. Vậy mình nên viết nét nào nét thanh, nét nào nét đậm? Cùng một chữ cái nhưng lại có muôn vàn hình dáng khác nhau.

LC—Blog_01
Trung học: Học gõ chữ

HỌC GÕ CHỮ

Lên trung học, mình được cho truy cập mạng internet và sử dụng máy tính. Mẹ đăng kí cho mình đi học vi tính. Khi làm quen với các phông chữ (font) máy tính, mình đã thắc mắc vì sao có chữ lại có mấy cái chân nho nhỏ ở dưới, có cái lại không? Lại có cái được in nghiêng, in đậm. Đây cũng là lúc mình bắt đầu học gõ chữ tiếng Việt. Để ý thấy có mấy chữ khi mình đánh dấu tiếng Việt thì bị lỗi 'tàu hủ' thế này. Nhìn thật là vô duyên.
(tàu hủ là mấy cục hình chữ nhật có gạch chéo bên trong).

Rồi những điều thắc mắc đó của mình cũng chỉ dừng lại ở câu hỏi vì sao lại ít phông chữ hỗ tro tiếng Việt thế này? Tiếng Việt cũng chỉ có các chữ cái a b c thôi mà. Các phông chữ có đầy đủ dấu câu nhưng sao lại không thêm được các dấu thanh?

LC—Blog_01
Đại học: Học sử dụng chữ

HỌC SỬ DỤNG CHỮ

Lên đại học, mình có cơ hội theo học ngành thiết kế truyền thông số (Digital Media Design). Lúc này mình có được làm quen và học nhiều hơn từ nguồn gốc cũng như cách ứng dụng của các bộ phông chữ đến cách sử dụng phông chữ đúng cách. Còn nhớ trong tiết học đầu tiên về thiết kế đồ họa, thầy đã dặn đi dặn lại rằng, khi muốn kéo tăng hay giảm kích thước của một đoạn chữ thì phải vừa kéo vừa nhấn giữ phím shift để hình dáng con chữ được giữ nguyên và không bị siêu vẹo. Mình nghĩ thầm: "À, thì ra các con chữ cũng được quan tâm đặc biệt thế này!"

Cũng trong những năm đại học, mình tình cờ biết đến Lưu Chữ, cũng tham gia chụp hình các bảng hiệu cũ và đi tìm những con chữ đang dần bị phai nhòa theo thời gian. Qua dự án, mình biết được nhiều hơn về nghề kẻ chữ, vẽ bảng hiệu ở Việt Nam. Nghệ thuật kẻ chữ cũng khá phổ biến từ thời xưa. Rồi mình biết được thiết kế phông chữ có cả một nghề riêng. Nghe cũng hay ho phết! Ngày xưa các bác kẻ chữ thủ công, còn bây giờ mình kẻ chữ máy tính thì sao nhỉ?

LC—Blog_01
Hiện tại: Học làm chữ

HỌC LÀM CHỮ

Ồ ra là vậy! Nếu mình cũng trở thành một nhà thiết kế/tạo mẫu chữ thì sao? Mình là người Việt, đọc lưu loát tiếng Việt vậy thì làm phông chữ hỗ trợ tiếng Việt, nghe cũng đúng hen? Mình có thể thiết kế dấu thanh cho các phông chữ và khắc phục các lỗi không hiển thị hay gặp phải.

Tụi mình may mắn khi được sinh ra trong sự phát triển không ngừng của công nghệ và sự tiến bộ, đa dạng của các phần mềm. Lỗi kĩ thuật cũng không còn khó để khắc phục. Với lại tuổi trẻ tụi mình có thừa sự sáng tạo mà! Vậy tại sao lại không bắt tay vào làm phông chữ cho người Việt sử dụng?

Những ý nghĩ này đã thôi thúc mình đi theo con đường học chữ sau khi hoàn thành đại học, với hy vọng sẽ dần áp dụng được các kiến thức này để phát triển những bộ chữ hỗ trợ cho tiếng mẹ đẻ. Sang Úc, mình lại được thêm những cơ hội học tập từ thầy cô và các nhà tạo mẫu chữ. Mình sẽ kể thêm cho các bạn nghe ở các bài sau nha.

Vậy còn các bạn thì sao? Những con chữ thu hút bạn ở điểm nào? Hãy chia sẻ cho bọn mình câu chuyện của bạn với những con chữ thông qua hộp thư trực tuyến hoặc theo dõi Instagram story của Lưu Chữ nhé!

NGÀY ĐĂNG TẢI
10 THÁNG 10, 2020
CHUYÊN ĐỀ
ĐƯỢC VIẾT BỞI
HÀ MAI THY

Thy có hai niềm đam mê: chữ và ẩm thực. Hiện cô đang sống và làm việc ở Úc sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành Communication Design ở RMIT Melbourne. Thy tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu và tạo mẫu chữ. Ở Lưu Chữ, Thy là lớp trưởng của lớp học chữ hàng tuần.

© Lưu Chữ 2023 - Bản quyền nội dung trang web thuộc về Lưu Chữ   |   Điều khoản và điều kiện