20221002-LC-PNTV-Cover

In một tập báo Phụ Nữ Tân Văn

NGÀY ĐĂNG TẢI
24 THÁNG 12, 2022
ĐƯỢC VIẾT BỞI
CAO XUÂN ĐỨC, LÊ QUỐC HUY

Trong lúc tìm hiểu về chữ và lịch sử In ấn tại Việt Nam, Lưu Chữ tìm được một bài báo có nhan đề ‘Làm thế nào cho thành một tập báo Phụ nữ Tân Văn’ [1] (Phần I trên trang 13-16, số 59 phát hành vào ngày 03/07/1930. Phần II trên trang 5-9, số 60 phát hành vào ngày 10/07/1930), trong đó có miêu tả khá chi tiết về nghề Sắp chữ [2] và kỹ thuật In Letterpress (In Typo - In chữ đúc rời) [3].

Phụ Nữ Tân Văn, cũng như các tờ báo giấy trong nước giai đoạn những năm 1930, đều sử dụng kỹ thuật In Letterpress cho công đoạn sản xuất, nhưng Lưu Chữ không thấy mô hình in ấn này còn phổ biến ở Việt Nam ngày nay. Những tờ báo hiện đại đều sử dụng công nghệ in  Kỹ thuật Số (Digital hoặc Offset) nhằm tiết kiệm thời gian lẫn nhân công. Bởi vì thế, quá trình sản xuất ra một tờ báo bằng kỹ thuật In Letterpress bao gồm việc tìm một con chữ phù hợp, sắp chữ ngay ngắn cũng như việc làm thế nào để ra đời một bản in là một chủ đề mà Lưu Chữ muốn tìm hiểu và chia sẻ.

Bài viết này thuật lại nội dung chuyên đề, giữ nguyên văn phong, bên cạnh đó có chỉnh sửa lại một vài lỗi chính tả, cách phát âm cho phù hợp với quy luật hành văn và ngữ pháp ngày nay.

2022-LC-PNTV-25
H. 1: Bìa được in màu của tuần báo Phụ Nữ Tân Văn số 59 phát hành vào ngày 03/07/1930 tại Sài Gòn. Với trang bìa là hình ảnh ba cô gái đại diện cho ba miền: Bắc, Trung, Nam.

PHẦN I: SẮP CHỮ

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHO THÀNH MỘT TẬP BÁO?

Bức thư ngỏ cùng cô Trần Thị Vân ở Rạch Giá và cùng chư vị độc giả của bổn báo. Đã lâu, chúng tôi có nhận được thư của cô, đem lòng ngay thiệt bày tỏ với chúng tôi rằng từ ngày cô đọc Phụ nữ Tân Văn thì thấy tri thức có phần mở mang, học vấn có phần rộng rãi, tuy là đọc báo nhưng không khác gì đi vào trường học vậy. Nhân đó cô muốn biết rõ phải tốn công phu thế nào mà làm thành một tập báo, và mọi cách sắp đặt ở trong ra sao? Cô nói rằng: ’Cầm một tập báo đọc mà không hiểu cách phải làm sao cho thành tập báo, thì khó chịu quá!”. Cô nghĩ vậy thật là phải; chúng ta ăn một chén cơm, cũng nên biết chén cơm đó nhờ người làm ruộng, từ khi gieo giống cho đến khi gặt lúa đem về, đập, phơi, xây, dã, thành ra một hột gạo, rồi mới nấu ra cơm; chúng ta bận một cái áo, thì cũng nên biết cái áo đó nhờ người nuôi tằm, từ khi lựa kén cho đến khi tằm chiu, ươm tơ, kéo chỉ, mắc vào khuôn dệt thành ra tấm hàng, rồi mới may nên áo. Vậy thì đọc một tập báo mà không biết những công phu sắp đặt cho thành tập báo ra sao, kể cũng tức mình thiệt. Phàm muôn việc ở đời, cái gì cũng phải có nhân rồi mới có quả, có dụng trước phải có công, nếu mỗi việc gì ai cũng chịu khó suy xét đến nơi, thì còn nói gì, mà đó chính là một điều có ích cho sự học vấn và mở mang tri thức của mình vậy. Bài này, chúng tôi đem hết những công việc sắp đặt cho thành tập báo Phụ Nữ Tân Văn thuật ra để cô rõ, cho thỏa lòng muốn nghiên cứu của cô; nhân tiện cũng là một bày tỏ công phu và chức vụ của chúng tôi ra cùng chư vị độc giả thưởng lãm. Chúng tôi muốn thuật rõ công phu mỗi tuần của chúng tôi, lo làm cho thành báo Phụ nữ Tân Văn, để chư vị độc giả biết rằng chư vị đã chiếu cố đến tờ báo này, thiệt tờ báo này không hề dám phụ lòng vậy.

VIỆC SOẠN BÀI VỞ

Chúng tôi lo lắng thứ nhất là việc soạn bài vở đăng báo; tức là lo việc bếp núc cho nhà báo theo một tiếng nói riêng của báo giới Âu Mỹ. Thật vậy, việc biên tập bài vở đăng báo không khác gì việc lo nấu nướng món ăn để đãi khách; độc giả là khách, mà chúng tôi là đầu bếp vậy. Tất nhiên phải lo làm sao, từ những món ‘sơn hào hải vị’ cho tới ‘tương rau bánh trái’ món nào cũng phải sạch sẽ, ngon lành; mà cốt nhất là ở chỗ khéo đi chợ mua đồ, khéo nấu ăn trở bữa, có vậy mới là đầu bếp làm tròn phận sự. Phận sự của chúng tôi làm bếp cho Phụ nữ Tân Văn như vậy đó. Bài vở hoặc là tự các bạn đồng sự với chúng tôi viết ra, hoặc là của các độc giả xa gần gửi tới. Trước khi đăng báo, chúng tôi phải hội lại với nhau, xem xét lựa chọn rất là kỹ càng, cẩn thận. Làm vậy để cho tập báo này, con đường bắt đầu ra đi, từ bài xã thuyết, trải qua những bài nghiên cứu học thuật, những mục gia chính vệ sinh, dẫn xuống tới mục tiểu thuyết và phần nhi đồng là hết. Mục nào, bài nào cũng đều có ý nghĩa, đều hợp thời và có bổ ích cho chư vị độc giả về tri thức, về kiến văn cả. Nếu một bài nào, hay là một tin gì, một việc gì dẫu là văn hay, ý lạ mà xem ra có hại cho tinh thần của người coi, hay là cho luân lí của xã hội, thì bổn báo bỏ đi lập tức.

2022-LC-PNTV-02a
H. 2: Bên trong văn phòng làm việc của tòa soạn báo Phụ Nữ Tân Văn - đặt tại số 42, đường Catinat, nay là đường Đồng Khởi, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh. Trang 14, báo Phụ Nữ Tân Văn số 59, năm 1930, Sài Gòn.

Chúng tôi biết rằng việc in ra một tờ báo cho muôn ngàn người đọc là một việc khó khăn, mà thứ nhất là làm một tờ báo cho phụ nữ ta đọc lúc này, càng là việc khó khăn hơn nữa. Đối với việc soạn bài vở, chúng tôi phải thận trọng là như thế. Chẳng những bài vở phải thận trọng mà thôi, cho tới những lời rao hàng, chúng tôi cũng phải kén chọn kĩ lưỡng nữa. Không phải chúng tôi ham tiền nhiều mà lời rao nào đưa đến cũng đăng cả đâu. Đại khái như những lời rao coi tay, xem tướng hay là những lời rao nào mà xét ra có ý giả dối, lường gạt ở trong thì dẫu trả mắc tiền cho mấy, chúng tôi cũng không đăng. Chúng tôi nghĩ rằng, đăng những lời rao coi tay xem tướng ấy là gợi lòng mê tín của đồng bào, hay là để cho độc giả bị người lường gạt. Vì chúng tôi nhận ra rằng, độc giả hay có lòng tin chắc chắn ở lời rao trong tờ báo mà mình ưa đọc. Nếu độc giả chịu coi kỹ từ cái lời rao trong tập báo này, thì sẽ biết là chúng tôi thận trọng về chỗ đó lắm.

Bài vở đăng mỗi kỳ báo, ví dụ như kỳ số 59 đây, ra thứ Năm tuần này nhưng mà chúng tôi đã phải chuẩn bị sẵn sàng và xong hết từ thứ Năm tuần trước. Chỉ trừ ra có bài nào, hay là cái tin gì cần gấp, thì mới để lại trước ba ngày báo ra mới đưa đi in mà thôi. Vì Phụ nữ Tân Văn xuất bản 32 trang lớn như vầy và in tới 108.000 số cho nên việc sắp chữ phải 3 ngày ròng rã. Lại thêm 3 ngày để in và đóng thành tập. Cả thảy là 6 ngày hay là đúng một tuần lễ thì mới xong. Báo chúng tôi phải dự bị trước một tuần lễ là vì thế. Nhưng số 59 này in ra rồi, thì số 60 đã đang sắp chữ và sắp lên máy in.

2022-LC-PNTV-17
H. 3: Một mẫu quảng cáo về nhà in Albert Portail được in phía sau tập bản đồ thành phố Sài Gòn năm 1952-1955. Ngoài được biết đến như một nhà in, Alber Portail còn là nhà sách nhập sách ngoại văn và kinh doanh văn phòng phẩm. Nhà sách này cũng là tiền thân của nhà sách Xuân Thu.

VIỆC SẮP CHỮ VÀ TRÌNH SỞ KIỂM DUYỆT

Nhân vì bổn báo chưa có nhà in riêng nên còn phải mướn in. Trước kia in ở nhà in ông Nguyễn Văn Viết [4], bây giờ in ở nhà in Albert Portail [5]. Đã có độc giả viết thư than phiền với chúng tôi, sao lập báo của người An Nam không mướn nhà in An Nam, lại đi in ở nhà in Tây. Điều trách ấy nghĩ lại cũng phải, nhưng mà nếu xét cho kỹ về sự in tập báo này, đã nhiều chương, bìa lại in màu và in ra nhiều như thế thì phải là nhà in lớn mới in được. Chúng tôi nhắm chừng nhà in ta ở Sài Gòn chỉ có như nhà in ông Huyện Của [6] và nhà in ông Nguyễn Văn Viết là được. Xong hai nhà in này đều bận làm nhiều công việc quá, thành ra chúng tôi đã đi hỏi, ông Của thì không nhận lãnh, còn ông Viết năm ngoái đã in một năm mà bước qua năm nay thì ông tăng giá lên quá, cho là in báo này mỗi tuần phải kẹt chữ kẹt máy, không làm thêm được nhiều việc khác. Bởi có ấy nên bổn báo phải mướn nhà in Albert Portail là nhà in Tây. Tuy là nhà in Tây, nhưng cũng đồng bào ta làm cả và giá lại hạ, như vậy cũng có thể in ở đó ít lâu, để chờ bổn báo lập nhà in riêng.

Có tấm hình bổn báo in đây, chính là chỗ thợ sắp chữ cho Phụ nữ Tân Văn. Bài vỡ soạn xong rồi, như bài nào muốn sắp bằng thứ chữ gì: chữ đứng (Romain), chữ xiên (Italique), hay là kiểu chữ nào khác như: Latin, Compacte, Initilales larges hay Étroit, Antique v.v… muốn chữ lớn hay chữ nhỏ, kiểu hoa hay kiểu thường, thì phải ghi vào bên cạnh bản thảo cho thợ biết; rồi sau đó mới đưa xuống nhà in cho thợ sắp chữ.

Toán thợ mà nhà in để riêng về việc sắp báo Phụ nữ Tân Văn có chừng 10 người, vừa lớn vừa nhỏ. Có một người lớn tuổi và thạo việc, đứng làm Cai; Cai nhận bài của nhà báo đưa lại, rồi phân phát cho thợ sắp chữ. Độc giả coi tấm hình chụp - các thợ sắp chữ đây, tưởng cũng thấy đại khái là họ sắp chữ ra thế nào.

2022-LC-PNTV-01
H. 4: Khung cảnh làm việc của các thợ sắp chữ tại nhà in Albert Portail. Tuy không gian tối, nhưng có thể hình dung được quá trình này có khá nhiều nhân lực thực hiện. Hầu hết trong ảnh những người thợ này đang sắp chữ bằng phương pháp thủ công. Trang 16, báo Phụ Nữ Tân Văn số 59, năm 1930, Sài Gòn.

Những cái hộc bằng gỗ chia ra từng ô nho nhỏ và xen kẽ, mà độc giả thấy đó là hộc đựng chữ; mỗi ô đựng một thứ chữ, ví dụ như ô này ròng chữ a, ô kia ròng chữ b v.v… Hộc chữ phía trên là chữ Hoa, phía dưới là chữ thường, còn hai ba cái ô chót ở phía dưới nữa là đựng những cái kêu là Cadras (Quad = đơn vị đo khoảng cách trong in Letterpress, 1 em quad = 1 ô vuông chữ), Espaces (*Space = khoảng cách chữ/ từ), là đồ cũng bằng chì, dùng để xen vào chữ, cho khoảng cách chữ này với chữ kia. Mặc dù hộc đựng chữ có nhiều ô như vậy, nhưng chữ nào ở ô nào thì nhất định ở ô ấy, nên chỉ thợ đã quen, cứ bốc là trúng, chứ không phải nhìn vào mặt chữ mới được. Có thợ thạo nghề, nhắm mắt rồi lượm chữ mà sắp, cũng như tay nghề đánh máy chữ, không phải trông vào máy vậy.

2022-LC-PNTV-29
H. 5: Hộc chữ Pháp (trên) và hộc chữ Việt (dưới) - Xưởng đúc Chữ Nam Dương.
D97rjolXUAYUx7x
H. 6: Hình ảnh của một hộc chữ ở ngoài đời thật, bao gồm các chữ cái viết thường, viết hoa và chữ số – Darren Rovell

Thợ sắp chữ để bài ở trước mặt, nhìn từng chữ trong bài, theo thứ tự trước sau, mà lượm từng chữ ở trong hộc ra; ví dụ như sắp một hàng chữ ’Cùng chư quý độc giả’, thì lấy chữ C hoa trước tới chữ ù, tới chữ n, tới chữ g. Hết chữ Cùng là xong một tiếng, thì lấy một miếng nhỏ bằng chì, cùng một cỡ với chữ mà thấp hơn, để xen vào giữa hai chữ cho phân cách nó ra. Rồi lại sắp tiếp chữ khác. Còn như hàng chữ dài, vẫn là tùy theo mỗi báo, như mỗi hàng của bổn báo đây, dài 9cm thì bất luận là mấy chữ, cứ tới cở đó là một hàng. Thợ sắp chữ, lượm chữ để vào một cái kêu là Composteur (*Composition = Khay sắp chữ), nghĩa là thứ để sắp chữ. Xong một hàng thì thợ lấy miếng chì, mỏng và nhỏ, kêu là Interligne (*Leading = Cách dòng) để ngăn cho cách hàng này với hàng kia. Họ sắp được chừng 15 hàng, nghĩa là chừng nào đầy cái Composteur rồi, thì để ra một miếng ván có rìa ở bề ngang và bề dọc, kêu là Galée (*Galley = Khay). Sắp xong mỗi bài thì cột dây nhợ xung quanh, kêu là một paquets (*Pack/ Paragraph = 1 Bộ) . Ấy là bài cụt, nếu bài dài thì phải chia ra 5-7 paquets không chừng.

2022-LC-PNTV-12-01-2
H. 7: Mô phỏng quá trình tạo ra mẫu chữ chì: từ việc nung chì rót vào khuôn chữ cho đến việc chọn các mẫu tự chì sắp xếp thành một bản in.

Anh thợ nào sắp bài nào xong thì lấy giấy, vỗ bài [7] ấy ra, đưa cho người sửa bài Correcleur (*Proof Reader = Người soát lỗi/ sửa bài) sửa lỗi. Cách sửa bài đã có những cái dấu riêng. Thợ giỏi sắp bài thì có lỗi ít; thợ dở thì dễ lỗi nhiều, hễ bài nào sắp để lỗi nhiều thì có khi phải sửa tới hai, ba lần; mỗi lần sửa kêu là 1 Épreuve (*Test = Kiểm tra), thường khi sửa đến 3 épreuve là hết lỗi rồi. Thợ sắp bài có lỗi nhiều hay ít, lâu hay mau, cũng còn tùy ở chữ của người viết bài; có bài viết chữ xấu quá, thợ nhìn không ra, thì chẳng những sắp lâu mà lại nhiều lỗi nữa. Bởi vậy thường thường bổn báo phải rao rằng ai gởi bài đến, thì phải viết rõ ràng và viết một mặt giấy mà thôi. Sự sắp chữ là như vậy.

2022-LC-PNTV-261
H. 8: Các kiểu chữ sau khi lựa chọn từ xưởng đúc chữ sẽ được mang đến nhà in, được người thợ sắp chữ sử dụng chung với các dụng cụ hỗ trợ để hoàn thành một bản in trước khi mang đến máy in. Danh mục các mẫu chữ được sản xuất tại xưởng Đúc chữ Nam Dương năm 1964.

Báo Phụ Nữ Tân Văn dày tới 32 trang, thì 10 người thợ vừa sắp chữ vừa sửa lỗi, phải ba ngày mới xong. Khi sắp chữ xong, thì một người trong nhà báo phải tới nhà in, chỉ cho thợ đặt bài nào trước, bài nào sau, cho có thứ tự; công việc xếp đặt từng bài từng trang đó kêu là Mise en page (*Page Layout = Dàn trang). Nếu như báo Tây, hay báo nào ở nước khác khi làm ‘mise en page’ xong là có thể lên máy in ngay được rồi. Nhưng báo Quốc ngữ ở nước Việt Nam này không thể; xếp đặt thành trang xong rồi, lại phải lấy giấy mực, vỗ hai xấp, đưa trình cho sở kiểm duyệt báo coi. Như báo Phụ Nữ Tân Văn chúng tôi có 32 trang lớn, thì mỗi kỳ phải vỗ thành 64 trang, nghĩa là mỗi trang vỗ thành hai, để đem đi kiểm duyệt. Sở kiểm duyệt đọc xong bấy nhiêu trang cũng hết một ngày, hễ bài nào, khúc nào, hay là chữ nào mà sở kiểm duyệt thấy nói động chạm tới thời thể, phạm tới quan trên v.v… thì gạch chữ xanh vào chỗ đó, mà đề chữ Censuré (*Censor = Kiểm duyệt). Bài nào hàng nào mà sở kiểm duyệt bôi đi, thì phải lấy ra, hoặc đặt bài khác, hoặc lấy những cái châm để thế vào, hoặc là để trắng; nếu vô ý bỏ sót lại mà in, thì tính mạng tờ báo phải nguy lắm. Đó là sự bất hạnh đã xảy ra cho bạn quá cố của chúng tôi là báo Thần Chung vậy. Báo Phụ Nữ Tân Văn này thường khi bị sở kiểm duyệt bôi đi cả trang, cả bài, chúng tôi phải lấy lời rao thế vào; có khi gấp quá, phải để trống chỗ đó, chắc độc giả đọc tới cũng hiểu là vì sao.

2022-LC-PNTV-13-1
H. 9: Mẫu quảng cáo của Nhà in Huyện Của, tức Liên Hiệp (Imprimerie de l’Union) được giới thiệu trong quyển Thời sự Cẩm nang : Tuế Thứ Oanh Ngũ Viên, Năm 1930. Tài liệu thuộc Thư viện Quốc Gia Việt Nam. 

PHẦN II: IN ẤN

VIỆC LÊN MÁY IN

Khi đã làm mise en page xong, thì một mặt chúng tôi gửi bài lên sở kiểm duyệt coi, một mặt ở nhà phải sửa lỗi. Lần này bài vở đã xếp đặt thành trang, thành thứ tự rồi, chỉ có việc đọc lại coi còn lỗi nào sót lại thì sửa. Công việc này gọi là sửa Morasse (*Morass = bản in thử). Sửa một lần, thợ in đem về sửa những lỗi còn lại, sửa xong vỗ morasse một lần nữa đưa cho chúng tôi coi, rồi chúng tôi mới cho Bon à tirer (*Good to print = đủ để in), nghĩa là nhận rằng hết lỗi, cho in. Lúc bấy giờ thợ mới ráp khuôn lên máy. Cái máy ở nhà in Albert Portail dùng để in báo Phụ Nữ Tân Văn mà độc giả thấy trong tấm hình này, là một kiểu máy mới chế ở bên Tây, có nhiều cái đặc sắc lắm, tại Sài Gòn này chỉ có nhà Albert Portail là có mà thôi và giá nó tới 35.000$.

2022-LC-PNTV-03
H. 10: Khung cảnh người thợ in đứng cạnh các máy in tại nhà in Albert Portail, so với những máy in truyền thống như trong bài viết đề cập tới, máy in mới này chỉ cần rất ít nhân lực để phụ trách khâu vận hành. Trang 6. báo Phụ Nữ Tân Văn số 60, năm 1930, Sài Gòn.
Untitled-1
H. 11: Quang cảnh làm việc của các học viên bên cạnh máy in của công ty The Miehle Printing Press & MFG. Co. (chưa xác định được dòng máy) tại trường Đại học Kỹ thuật In London, Anh vào thập niên 1960. Chiếc máy in trong ảnh có nhiều điểm tương đồng với chiếc máy in đời mới được sử dụng tại nhà in Albert Portail in cho các số báo Phụ Nữ Tân Văn.

VIỆC ĐÓNG THÀNH TẬP

Máy in được chừng nào thì có thợ đóng (Relieur) đem ra xếp lại chừng nấy. Độc giả coi trong tấm hình bổn báo in đây, là toán thợ xếp, đóng và cắt báo Phụ Nữ Tân Văn mỗi tuần, cũng là một công việc khó nhọc và cần nhiều nhân công lắm. Thường những nhà in nhỏ về việc xếp đóng như vầy, đều dùng tay người phần nhiều, nhưng ở đây họ dùng bằng máy. Từ việc xếp lại cho thành thứ tự từng trang, rồi đóng, rồi cắt, nhất thiết đã có những thứ máy riêng cả. Nhờ vậy mà công việc làm được mau chóng, chứ báo Phụ Nữ Tân Văn mỗi tuần in ra trên 10,000 số, nếu mà xếp và đóng bằng tay, thì phải dùng ít nhất 25 người và làm ít nhất 5 ngày mới xong. Khi thợ xếp đã xếp xong 32 trang ruột ở trong và đặt bìa ở ngoài rồi, thì chồng cao thành đóng tại đó, rồi có người thợ đóng đưa ra máy mà đóng. 

Nó có những cái đặc sắc như sau:

1. Nó chạy đúng, nói theo tiếng nhà nghề, gọi là nó có Prècivion (*Precision = sự chính xác). Phàm là cái máy chạy đúng thì bao nhiêu cơ quan, bộ phận trong máy, đều phải ăn khớp với nhau từng li từng chút, nếu như có chút nào sai chạy ở trong đó, từ cái bánh xe nhỏ nhỏ, từ cái đinh vít (vis) cỏn con, thì là không đúng nữa rồi. Không khác gì cái đồng hồ nhỏ, máy móc có bao nhiêu đâu, ấy vậy mà nó trục trặc một chút gì trong đó thôi, thì ta đã thấy sai giờ, sai phút rồi. Cái máy in cũng vậy, nếu như nó chạy không đúng thì tự nhiên in ra có tờ đậm mực, có tờ lợt, xiên đầu này, méo đầu kia, lại còn có khi hư gãy cả chữ là khác nữa. Trái lại nếu máy tốt và chạy đúng, thì từng chữ, từng tờ in ra, coi đều đặn, hẳn hoi, rõ ràng, ngay ngắn, tức như báo Phụ Nữ Tân Văn in bây giờ, độc giả nhận theo kỳ (đặt báo theo tháng, theo năm) chắc cũng thấy khác lúc trước nhiều lắm.

2. Cái máy này vừa in vừa cắt giấy. Thường các máy khác, người thợ in Margeur (*Print feeder = thợ in) phải ngồi đặt từng tờ giấy đã cắt sẵn sàng, theo cỡ giấy nhật trình, dài rộng 65x100. Song cái máy in báo Phụ Nữ Tân Văn đây không như vậy, nghĩa là không phải có người ngồi đặt từng tờ giấy; không phải in bằng giấy lẻ, mà in bằng cả một cuộn giấy cuốn tròn thiệt lớn. Cuộn giấy để ở một đầu máy, in tới đâu thì đã có máy cắt ra từng tờ tới đó, chớ không cần phải tay người mò vào, thật là bớt được nhân công và tiện lợi mau chóng hết sức. Các máy thường, đã phải có người ngồi đặt từng tờ giấy rồi lại còn phải có người đúng lượm từng tờ mà máy in ra, để xếp thành đống lại. Cái máy này lại tránh luôn được cả sự đó. Từ dật giấy, lấy mực, cho tới in ra thành tờ và xếp lại, nhất thiết đều là máy tự làm lấy tất cả; người thợ bắt quá chỉ đứng ngó chừng thôi, chớ không khó nhọc gì hết.

3. Nó chạy mau và êm. Máy xấu, chạy nghe rầm rầm, mà chạy chậm chạp, mỗi giờ chỉ in ra được chừng 700-800 tờ như tờ nhật trình thôi. Còn máy này tốt thượng hạng, thành ra nó chạy êm như ru, đến đỗi đứng bên mà cũng không nghe có tiếng động gì cả. Đã vậy, lại có sức in mau, mỗi giờ 1800 tờ giấy, song thường người ta chỉ cho nó in chừng 1000 hay 1200 mà thôi, vì dẫu cho nó mạnh lẹ như con ngựa thiên lý nhưng không mấy khi ai thả cương cho nó chạy hết sức, mà muốn cho nó chạy vừa vừa để dưỡng sức cho nó.

Đại khái mấy chỗ đặc sắc của cái máy in báo Phụ Nữ Tân Văn như vậy. Nhờ đó mà độc giả có thể nhận kĩ ra rằng báo Phụ Nữ bây giờ, trừ chữ in hơi cũ một chút, song ít lâu nữa có chữ mới; còn về sự in, thì thiệt là đúng đắn hẳn hoi, không có sai chạy, lấm lem một chút nào cả.

Nãy giờ chúng tôi quên nói về sự in bìa, vậy tưởng nên nói sơ để độc giả biết. Bìa báo Phụ Nữ Tân Văn bao giờ cũng in hai màu: màu này xen với màu kia. Nhiều người không biết, thấy bìa báo in màu như vậy tưởng là in bằng bản đá (chromolithographie) *[8] như kỳ thiệt là in máy thường: mỗi màu in bằng cái Cliché (*Stereotype = bản kẽm) bằng kẽm, in màu này trước màu kia sau. Sự lựa màu phải lựa cho màu này hợp với màu kia thì mới đẹp; việc này do một tay chuyên môn pha màu và trộn thuốc; lại được máy in tốt, khiến cho những người không rành, thì không thế biết được là in bản kẽm và in hai lần mà cho là in bản đá. In bản đá tốn nhiều tiền lắm. Báo Phụ Nữ Tân Văn có 32 trang, tức là nguyên hai tờ giấy báo hằng ngày xếp lại, mỗi tờ 16 trang. Bởi vậy, mỗi lần lên máy chỉ in được 16 trang, rồi lại lên khuôn thứ hai 16 trang nữa mới xong.

Khi thợ sắp chữ sữa lỗi hết rồi, thì đem khuôn lên máy cho thợ máy ráp lại sẵn sàng, và lấy cây hoặc sắt niêm phong bốn phía xung quanh lại cho thiệt chặt, để khi máy chạy khỏi sứt chữ ra. Lại phải coi chừng sửa sang lại, thấp quá thì phải đôn nó cao lên, cao quá thì bào đi cho thấp xuống, làm vậy thì khi in mới đều nhau, khó có chỗ đậm, chỗ lợt. Công việc sửa soạn trên máy như thế gọi là Mise en train (*Makeready = chuẩn bị sẵn sàng).

Nhân tiện bổn báo tưởng nên nói sơ qua về sự làm cliché cho độc giả biết. Cách làm hình kẽm Photographie sur zine (*Photosensitive = Bản kẽm) bây giờ các nước Âu-Mỹ đã dùng những phương pháp hóa học của họ mới nghĩa ra, làm đã giản tiện mà lại còn mau chóng là khác; ở ta đây vẫn dùng lối cũ, máy cũ, đại khái làm như vầy: độc giả có tấm hình, muốn đưa làm bản kẽm cliché để in lên báo, thì người thợ chuyên môn đem tấm hình ấy ra máy chụp hình – thứ máy riêng-rọi qua một thứ kính mỏng, rồi người thợ lấy miếng kẽm vào trong buồng tối, pha thuốc vào, đem ra đặt miếng kính đã chụp kia lên trên, cho hình ăn xuống kẽm, một lúc lâu mới gỡ miếng kính đó ra; nhưng bấy giờ trên miếng kẽm chưa thành hình gì hết, người thợ lấy miếng kẽm đó thả vào trong một chậu nước a-xít, lắc đi lắc lại chừng 15 phút, a-xít ăn mòn vào kẽm, mới làm cho hình nổi lên. Vậy là thành cái hình kẽm rồi. Công việc trước sau làm hết 1 giờ đồng hồ. Lâu nay bao nhiêu hình kẽm in trong bổn báo, đều là do nhà Nguyễn Chi Hòa ở Đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi ở Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh) làm cả; nhà này làm cliché tinh xảo đã có tiếng ở Sài Gòn cho nên những hình in ở các báo tây lớn như Dépécho & Opinion đều làm ở đó hết. Chúng tôi trở lại chuyện in. Khi thợ máy làm mise en train xong đâu đó rồi, thì thợ in cho máy chạy. Máy chạy bằng hơi điện, chứ không phải dùng người quay bánh xe như lối cũ. Tới đây là công việc của máy, in hết tờ này tới tờ khác chừng nào đủ số của mình đã định thì thôi.

2022-LC-PNTV-04
H. 12: Khung cảnh người thợ in đứng cạnh các máy in tại nhà in Albert Portail, so với những máy in truyền thống như trong bài viết đề cập tới, máy in mới này chỉ cần rất ít nhân lực để phụ trách khâu vận hành. Trang 6. báo Phụ Nữ Tân Văn số 60, năm 1930, Sài Gòn.

Độc giả thấy giữa cuốn báo Phụ Nữ Tân Văn có một sợi dây bằng kẽm, ấy là đóng bằng máy vậy. Người thợ cầm từng cuốn báo đặt vào máy, may rập xuống một cái, tức là nó đã đủi và sâu dây kẽm vào rồi. Thợ đóng xong, thì đã có thợ cắt đem lại máy cắt. Máy cắt này như thứ máy lớn, có thể cắt được mấy trăm cuốn một lượt; cắt chiều này lại trở chiều kia, ba lần vặn máy cho lưỡi dao hạ xuống, mới thành ra tập báo đã cắt hẳn hoi.

Công việc của nhà in, lãnh in báo Phụ Nữ Tân Văn, từ việc sắp chữ, việc in, cho tới khi xếp, đóng, cắt thành thân tập báo, ấy là công việc của họ xong rồi. Họ gói từng gói, mỗi gói 100 cuốn cho người chở đến báo quán, giao cho chúng tôi.

VIỆC DÁN BĂNG GỬI ĐI

Trước kia, tuy là bổn báo định ngày xuất bản là thứ Năm mỗi tuần, nhưng bao giờ cũng tới sáng tứ Tư tuần đó là đã có báo ra rồi; bây giờ số in ngày càng tăng và công việc in, muốn làm cho cẩn thận hơn nên chỉ hồi này chúng tôi định lại cứ sáng thứ Năm thì mới có báo phát hành. Ối thôi, ngày nào nhà in in xong, chở báo từng xe lại giao cho báo quản, ấy là ngày báo ra thì ở lỵ phát hành của chúng tôi có cái quang cảnh tấp nập, bộn bề, nếu có vị độc giả nào tới thăm báo quán nhằm vào bữa đó, ngó mấy chồng báo ngổn ngang cao ngất kia cũng là thấy người làm lăn xả, thì tưởng cũng phải ngộp mất. Phải quang cảnh ngó thấy bộn bề tấp nập thiệt. Trong nhà có cả chục người ngồi chung quanh chồng báo, người thì xếp báo, người thì dán băng, người thì soạn riêng ra từng tỉnh, từng quận, người thì bó lại từng bó, để chực đem ra nhà dây thép (bưu điện), ai nấy đều xăn tay áo lên mà làm, coi hăng hái vui vẻ nhưng không có thể giấu được cái vẻ vội vàng khó nhọc; còn ngoài cửa thì có hàng mấy chục đứa nhỏ, ngồi chực sẵn ở đó, rồi thì chúng nó xúm nhau lại, tiếng cãi lẫn thấp cao, lời chuyện trò to nhỏ, làm om sòm inh ỏi ở trước cửa báo quán, ấy là mấy đứa nhỏ chờ trong lỵ phát hành xếp xong, thì giao cho mỗi đứa mấy chục tập, đem đi bán lẻ ở khắp châu thành Sài Gòn, Chợ Lớn. Cái lúc phân phát này, mấy đứa nhỏ tranh giành nhau, xô đẩy nhau, đứa nào cũng muốn giành được phần trước, để chạy ra rao bán cho mau. Thật chúng làm rộn ràng hăng hái quá, có khi vì tranh giành nhau mà thi võ với nhau rồi khóc.

2022-LC-PNTV-05
H. 13: Hình ảnh những đứa trẻ bán báo đứng trước toàn soạn báo Phụ Nữ Tân Văn, ngoài việc tờ báo được bản trực tiếp qua cách này, báo còn được bán ở những Kios nhỏ. Trang 8, báo Phụ Nữ Tân Văn số 60, năm 1930, Sài Gòn.

Công việc phát hành chúng tôi làm cẩn thận hết sức. Độc giả xét coi: chúng tôi tiếp được thư báo gửi về, thì có người biên vào sổ lớn, lại cho số thứ tự phân minh, thứ nhất là ghi số riêng ra từng tỉnh, từng quận, rành rẽ lắm, đề phòng khi muốn biết vị nào mua bao nhiêu? Ở đâu? Thuộc về sở dây thép [9] nào? Trả tiền chưa? Báo mua đến bao giờ hết hạn? Chúng tôi mở sổ ra là thấy liền, chứ không phải tìm kiếm hay là sai sót gì cả. Rồi mấy người viết băng Bandes (*Bandage = băng dán) tức là miếng giấy dán ngoài báo để tên và chỗ ở của độc giả) đem sổ ra, y theo đó mà viết. Viết xong quận nào bay hạt nào rồi thì đếm lại coi số băng có đúng với số độc giả ở quận hoặc hạt đã ghi trong sổ không?

Khi viết băng xong rồi, thì chúng tôi phải kê khai vào trong tờ giấy in sẵn của nhà dây thép, kêu là bordereau, biên rõ ràng bao nhiêu băng, gửi đi quận nào, bao nhiêu băng gửi đi hạt nào và tổng cộng là bao nhiêu để cho nhà dây thép đóng dấu vào và tính tiền gửi. Cái dấu ấy tức là thế cho con niêm [10]; nhà báo nào cũng phải đem ra cho nhà dây thép đóng dấu bandes trước, rồi mới đem về dán vào báo mà gửi đi.

Ty phát hành [11] của chúng tôi, dán băng xong xã rồi, có người chiếu theo trong số, mà soạn riêng từng tỉnh từng quận ra, ví dụ như báo gửi đi Mỹ Tho bao nhiêu, ra Hà Nội bao nhiêu, về quận Cai Lậy bao nhiêu, mỗi quận mỗi hạt đều bó riêng từng bó, ngoài có cột dây chắc chắn, để đem ra nhà dây thép chính. Nhà dây thép chính cứ để y bó như vậy, theo lên tỉnh hay quận đã ghi ở ngoài, mà gửi đi tới đó, rồi nhà dây thép sở tại mới mở ra mà cho trạm phát đi mọi nơi.

Công việc dán băng và gởi đi, chúng tôi làm kĩ lưỡng cẩn thận như vậy, không có thể sót một vị độc giả nào mà không có báo gửi đi. Ấy vậy mà thường khi có độc giả ở xa viết thơ về trách sao kỳ này kỳ kia, quên không gửi báo cho tôi. Không phải là chúng tôi quên đâu, mà không có thể nào quên được, là vì mỗi kỳ phải gửi đi cho bao nhiêu độc giả, là chúng tôi dán băng và gửi tại nhà dây thép chánh, đủ bấy nhiêu số báo. Chắc hẳn về tới trạm nhà quê, còn có nhiêu kẻ thừa hành công vụ, không có lương tâm về báo của độc giả mà ăn cắp; đôi khi độc giả mất báo là duyên do ở sự thất lạc dọc đường như thế; thật là một sự khiến cho nhiều người phải kêu nài. Mỗi lần có độc giả kêu nài, là bổn báo đưa ngay thư cho nhà dây thép chính tra xét giùm, nhưng không bắt được chứng cứ thì biết làm sao đặng. Chẳng qua tại công việc bưu chính ở đây, chưa tổ chức hẳn hoi ở mấy nơi xa châu thành, nên chỉ mới có những chuyện mất thư mất báo luôn luôn như thế.

Xong việc gởi báo đi cho các độc giả rồi, chúng tôi mới làm tới việc gửi báo đi cho các nhà nhận bán báo lẻ ở các nơi, kêu là gởi Depot (*Deposit = đặt cọc, ký gửi). Khắp Lục tỉnh, lại suốt từ Nam ra Bắc, không có mấy tỉnh, mấy chỗ mà không có nhà depot báo Phụ Nữ Tân Văn. Thứ nhất là ở Sài Gòn, Hà Nội và Hải Phòng, mỗi kỳ chúng tôi bán lẻ, kỳ bán ít hơn hết cũng là 4000 số, trong nội 3 tỉnh đó.

Công việc làm cho thành tập báo Phụ Nữ Tân Văn là như vậy. Mỗi tuần độc giả có một tập báo mà coi, chưa kể đến sự dở hay, kể về công phu, từ tòa soạn, ty quản lý cho đến mấy người thợ chữ, thợ in, thợ xếp, thợ đóng, không biết bao nhiêu là người, bao nhiêu là khó nhọc, lại kể đến sự tốn kém, từ tiền nhà, tiền đèn, tiền soạn bài vở, tiền mướn người làm, cho tới tiền gửi đi, mỗi thứ mỗi ít, cộng lại nhiều lắm. Nếu bây giờ có một nhà triệu phú nào, có tính hào phóng và háo kỷ, muốn in mỗi tuần ra một tập báo như Phụ Nữ Tân Văn này để mà coi riêng, thì sự hao tổn về soạn bài, công in v.v… tất phải tốn ít nào là 500$ mới đủ. Độc giả suy xét như vậy, thì đủ biết chúng tôi làm cho thành tập báo này, thật mất tinh thần, tâm lực, tiền bạc, công phu nhiều lắm.

Mất nhiều tâm lực và công phu như vậy, mà không phải là mong có lời gì đâu. Có lời, là lời vì cái chỗ chúng tôi đã đem hết thành tâm và phận sự ra, chớ không lời gì về tiền bạc cả. Phương chỉ chúng tôi còn có việc Học bổng mà đoàn thể Việt Nam Phụ Nữ đã xướng lập ra, nhân sự chúng tôi phải lo lắng, thu góp, chia sẻ thế nào cho hai người học sinh đang ở bên Pháp bây giờ[12], phải khỏi thiếu thốn và phải lo liệu làm sao cho có Học bổng khác kế theo, ấy nên Phụ Nữ Tân Văn có lời là lời ở chỗ đó. Một tập báo làm ra công phu như thế nào, hao tổn như thế nào và có cái gánh phận sự như thế, thì độc giả có nên hết lòng chiếu cố, hết sức cổ động cho càng ngày càng thêm vững vàng và truyền bá rộng rãi ra hay không.

TẠM KẾT

Qua bài nghiên cứu thuật lại quá trình sản xuất ra tờ Phụ Nữ Tân Văn, Lưu Chữ muốn giới thiệu giai đoạn ứng dụng chữ tại Việt Nam đầu thế kỉ XIX. Mặc dù trong lúc tìm hiểu thêm về chủ đề này, nhóm vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tư liệu liên quan, Lưu Chữ mong bài viết này sẽ đánh dấu sự khởi đầu của những câu chuyện liên quan tới lịch sử ứng dụng chữ và kỹ thuật in ấn ở Việt Nam từ lúc bắt đầu cho tới sau này.

Nếu bạn đọc có thêm thông tin, từ sách vở, tạp chí cho tới những hình ảnh, tư liệu về công việc in ấn hay các xưởng in ở Việt Nam trước đây, hãy gửi cho Lưu Chữ tại địa chỉ contact@luuchu.com nhé. Biết đâu trong tương lai, khi có được trong thay thông tin đầy đủ hơn, những hình ảnh đó lại xuất hiện trong những bài viết tiếp theo của nhóm!

THAM KHẢO
CHÚ THÍCH

[1] Báo Phụ Nữ Tân Văn do bà Nguyễn Đức Nhuận (1900-1962) tên thật là Cao Thị Khanh làm chủ bút. Đây là tờ báo tư nhân viết cho phụ nữ thứ 2 được xuất bản tại Sài Gòn (sau báo Nữ Giới Chung) và có nhiều ảnh hưởng về văn hóa xã hội ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Chủ trương của báo là đấu tranh cho nữ quyền, vận động mạnh mẽ cho việc học và viết chữ Quốc ngữ, khuyến khích giới trẻ viết báo để rèn luyện văn Quốc ngữ. Số đầu tiên xuất bản vào năm 1929 cho đến số cuối cùng (273) vào năm 1935 với trang bìa vẽ ba cô thiếu nữ đại diện cho ba miền Bắc, Trung, Nam.

[2] Nghề sắp chữ hoặc thợ Typô, thợ sắp chữ nhằm chỉ một công đoạn làm việc trong nhà in. Công việc này yêu cầu thợ phải lựa chọn và kết hợp các mẫu chữ đúc chì đặt từ xưởng đúc chữ để sắp xếp thành một bản in trên một mặt báo trước khi chuyển đến cho thợ in.

[3] Kỹ thuật in Letterpress du nhập vào Việt Nam đầu thế kỷ 20 với các tên gọi như in typô, in chữ đúc rời. Trong cuốn Kỹ thuật in Typo của tác giả Đặng Văn Kính, kiểu In Letterpress này được gọi là in Typô (typographie – tiếng Pháp hay còn gọi là in hoạt bản), là một trong các kiểu in thuộc phương pháp in lồi.

[4] Nhà in Nguyễn Văn Viết được đặt tên theo tên của chủ nhà in - Joseph Nguyễn Văn Viết. Đây là nhà in của người Việt trên đường d’Ormay (nay là Mạc Thị Bưởi). Nhà in này là nơi những số đầu tiên của báo Phụ Nữ Tân Văn được xuất bản. Nguyễn Văn Viết được ca ngợi là người hết lòng chăm lo cho công việc in ấn của mình để cho ra một tờ báo có hình thức đẹp. Lúc bấy giờ, báo Phụ Nữ Tân Văn khi còn được sản xuất tại nhà in này được công chúng coi là tờ báo đẹp nhất tại Sài Gòn. Sau đó, khi số lượng phát hành báo này đã lên đến con số 10.000 bản, không nhà in Việt Nam nào còn đảm nhận được nên việc sản xuất đã được chuyển giao cho nhà in Albert Portail.

[5] Nhà in Albert Portail. Albert Portail (1881-1961) lần đầu tiên đến Sài Gòn năm 1905 khi ông còn là nhân viên xưởng in Ménard et Rey. Năm 1910, ông mua lại nhà in mới của Claude với mục đích in ấn và xuất bản bưu thiếp. Năm 1922 ngoài nhà in ra, ông còn mở thư viện, nhà sách ngoại văn và văn phòng phẩm tại số 185-193 Rue Catinat (nay là Đồng Khởi). 

[6] Nhà in Huyện Của - tức nhà in Liên Hiệp (Imprimerie de l’Union) do ông Nguyễn Văn Của làm chủ, được thành lập tại Sài Gòn vào những năm 1920 ở địa chỉ 57 Rue Lucien Mossard (nay là tòa nhà số 49-57 Nguyễn Du). Chưa có nhiều thông tin về nhà in này, tuy vậy nơi đây được biết đến là nhà in cho báo Lục Tỉnh Tân Văn - một trong những tờ báo đầu tiên phát hành bằng chữ Quốc ngữ.

[7] Vỗ bài hay in vỗ bài là tên gọi của mẫu in thử, dùng cho việc kiểm tra thông tin và màu sắc của một thiết kế trước khi tiến hành in hàng loạt.

[8] In bằng bản đá (Chromolithographie) - in thạch bản còn gọi là in đá, in Litho hay Lithography - là phương pháp sử dụng đá làm khuôn in, dựa trên nguyên lý lực đẩy giữa dầu và nước. In đá thuộc kỹ thuật in phẳng. Khi chế bản, phần in và phần không in nằm trên cùng một mặt phẳng, khác với kỹ thuật in lồi (Relief) và in lõm (Intaglio).

[9] Nhà dây thép, sở dây thép là tên gọi cửa miệng của thế hệ đi trước khi nhắc về bưu điện, bưu cục - một trong các hệ thống thông tin do Pháp thiết lập sau khi chiếm đóng thuộc địa tại Đông Dương.

[10] Con niêm - tem thuế, tem lệ phí hay gọi là tem phí - được sử dụng với các mục đích khác nhau như thanh toán cước phí bưu chính, trả thuế và nộp lệ phí thay cho tiền mặt v.v. Con niêm là một loại dấu in sẵn, có giá trị như tiền. Cơ quan tài chính thu thuế bằng cách bán con niêm hay tem thuế cho các cơ sở sản xuất các loại hàng hóa đó và buộc họ phải dán tem vào từng sản phẩm hàng hóa đưa ra tiêu thụ. Giá mua tem bằng mức thuế phải nộp trên một đơn vị hóa đơn.

[11] Ty phát hành chỉ đơn vị xuất bản, phát hành sách ngày trước.

[12] Phần học bổng mà trong số báo trên đề cập là do bà Nhuận, chủ bút Phụ Nữ Tân Văn đề xuất trích 15% từ lợi nhuận báo để cấp học bổng cho hai sinh viên Lê Văn Hai và Nguyễn Văn Hiếu sang Pháp du học. Đồng thời, bà cũng kêu gọi thành lập quỹ ‘Đồng xu học sinh nghèo’ để hàng tháng gửi tiền hỗ trợ cho hai sinh viên này. Ngoài ra, Báo Phụ Nữ Tân Văn cũng có nhiều hoạt động cho cộng đồng khác.

SÁCH

1. Báo Phụ Nữ Tân Văn số 59 phát hành vào ngày 03/07/1930.
http://www.namkyluctinh.com/eBooks/Tap Chi/Phu Nu Tan Van/Phu Nu Tan Van_059 03-Jul-1930.pdf

2. Báo Phụ Nữ Tân Văn số 60 phát hành vào ngày 10/07/1930.
http://www.namkyluctinh.com/eBooks/Tap Chi/Phu Nu Tan Van/Phu Nu Tan Van_060 10-Jul-1930.pdf

3. Xưởng Đúc chữ Nam Dương, Kiểu chữ, Nhà in Hoàng Văn. Sài Gòn, Năm 1964, Lưu trữ tại Thư viện Lưu Chữ.

4. Trần Ngọc An - Giáo cơ ấn nghệ : Sách dạy làm nghề nhà in. Năm 1927. Lưu trữ tại Thư viện Quốc gia. http://sach.nlv.gov.vn/sach/cgi-bin/sach?a=d&d=NGAImuMPjw1927.1.1&srpos=1&e=-------vi-20--1--img-txIN|txME-sắp+chữ+------

5. Thời sự Cẩm nang, tuế thứ canh ngũ niên - Vade Mecum Annamite, Administratif, Commercial, Agricole et Littéraise. Trang 2, Năm 1930. Lưu trữ tại Thư viện Quốc gia. http://sach.nlv.gov.vn/sach/cgi-bin/sach?a=d&d=kEjhI1930.2.1.1&e=-------vi-20--1--img-txIN-Imprimerie+de+l%e2%80%99union------

6. Đặng Văn Kính - Kỹ thuật in Typo, Xuất bản bởi Phân hiệu Trung học Kỹ thuật In, Sài Gòn, Năm 1978. Lưu trữ tại Thư viện Lưu Chữ.

7. Lê Minh Quốc - Hành trình chữ viết. Kiến thức Bách khoa cho mọi người, Nhà xuất bản Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, Năm 2022. Lưu trữ tại Thư viện Lưu Chữ.

8. Đỗ Quang Hưng - Buổi đầu tiên của Báo chí Việt Nam (5-7),Số 64B, Tạp chí Xưa Nay, Cơ quan Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hà Nội, Năm 1999. Lưu trữ tại Thư viện Lưu Chữ.

9. Thanh Việt Thanh - Những Nữ chủ bút và quản lý Báo chí ở Sài Gòn, (14-15)Số 64B, Tạp chí Xưa Nay, Cơ quan Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hà Nội, Năm 1999. Lưu trữ tại Thư viện Lưu Chữ.

WEBSITE

1. Các số báo Phụ Nữ Tân Văn hiện lưu trữ tại Thư viện Quốc Gia Việt Nam.
http://baochi.nlv.gov.vn/baochi/cgi-bin/baochi?a=cl&cl=CL1&sp=HtCq&e=-------vi-20--1--img-txIN------

2. Tim Doling - Gặp gỡ với các di sản: Trụ sở Nhà in Liên Hiệp (Imprimerie de L’Union) số 49-57 Nguyễn Du, năm 1920. Viết vào năm 2014. Tp. Hồ Chí Minh.
http://www.historicvietnam.com/nguyen-van-cua-imprimerie-de-lunion-building/

3. Thông tin thêm về nhà in Abert Portail
https://www.geographicus.com/P/ctgy&Category_Code=portailalbert

4. Quảng cáo mặt sau của bản đồ thành phố Sài Gòn năm 1951-1955. Chia sẻ của bác Mạnh Hải từ Thư viện Quốc gia Australia.
https://www.flickr.com/photos/13476480@N07/11263117504/

5. Darren Rovell - Hộc chữ sử dụng cho công việc sắp chữ được người thợ (thợ sắp chữ) thực hiện trước khi mang đi in với kỹ thuật in Letterpress (in chữ đúc rời).
https://twitter.com/darrenrovell/status/1143610359804321792

6. Máy in của công ty The Miehle P.P. & Mfg. tại trường Đại học Kỹ thuật in London(London College of Printing), Anh những năm 1960.
https://simongoode.tumblr.com/image/77164389061

7. Bảo tàng Báo chí Việt Nam
http://baotangbaochi.vn/

8. Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh
https://hcmc-museum.edu.vn/en/trang-chu-english/

NGÀY ĐĂNG TẢI
24 THÁNG 12, 2022
CHUYÊN ĐỀ
ĐƯỢC VIẾT BỞI
CAO XUÂN ĐỨC, LÊ QUỐC HUY

Đức trước hay uống sữa nên giờ hơi cao hơn so với mọi người trong nhóm. Hiện tại anh đang đầu quân cho một Agency tại Tp.HCM hoạt động trong lĩnh vực thiết kế. Đức ao ước trước năm 50 tuổi sẽ dành dụm được kha khá để đi học về Chữ.

Huy không đọc sách được do sự dễ mất tập trung của mình, đổi lại anh có thể đọc mọi thứ trên trời dưới đất (phải là tiếng Việt nữa thì càng tốt) miễn nó đừng nằm trên mặt sách. Năm 2015, từ sự giúp đỡ của những người bạn, Huy lập ra Lưu Chữ với mong muốn nghiên cứu và tìm hiểu ứng dụng Chữ tại Việt Nam. 

© Lưu Chữ 2023 - Bản quyền nội dung trang web thuộc về Lưu Chữ   |   Điều khoản và điều kiện