Cooper Black đi muôn nơi
Lại là mình, Mai Thy đây!
Chủ đề blog lần này về một bộ phông chữ mà đi đâu cũng thấy. Gần nhà mình có một tiệm ăn Trung Quốc tên là Fu Lu Chinese Food. Thay vì cũng sử dụng một phông chữ mang tính Trung Hoa hơn thì tiệm dùng phông chữ Cooper Black cho bảng hiệu Chinese Food. Tự nhiên làm mình nhớ Sài Gòn, khi đi đâu cũng thấy các bảng hiệu dùng phông chữ này. Nếu có thể ví von, Cooper Black với mình là một cậu bé mũm mĩm, dù hay trêu chọc mọi người nhưng vẫn rất được yêu mến. Để kể cho bạn nghe vì sao mình lại nói vậy nha.
Ti tí về phông Cooper
Thực ra, Cooper Black là một kiểu chữ đậm của bộ phông (typeface) Cooper Old Style. Bộ này do một nhà tạo mẫu chữ (type designer) người Mỹ, Oswald Bruce Cooper, thiết kế vào năm 1919. Đến năm 1922, bộ chữ được phát hành bởi xưởng đúc chữ Barnhart Brothers & Spindler. Sau đó, Cooper Black được công ty American Type Founders mua bản quyền và nhanh chóng được sử dụng rộng rãi ở khắp các công ty in ấn. Đến bây giờ, bộ phông này đã được vẽ lại trên máy tính bởi nhiều công ty sản xuất chữ. Ví dụ như hiện tại có những phiên bản: của Adobe Orginals trên Adobe Fonts, của Linotype, Bitstream, URW Type Foundry, Elsner+Flake, International TypeFounders... trên FontShop và MyFonts.
Trong bộ sưu tập các decal dry transfer của mình có vài mẫu Cooper Black nên mình đã soi kĩ để xem các đặc điểm của từng con chữ.
(Dry transfers là những mẫu decal có in sẵn các ký tự của một phông chữ, có thể dán được mà không cần nước hay keo. Mỗi mẫu decal nằm trên một nền giấy nhựa trong suốt và sau đó được chuyển khô sang bề mặt thiết kế bằng việc dùng viết chì đánh bóng đè lên. Mình sẽ kể cho bạn nghe thêm về dry transfers trong các bài blog sau nha.)
Cooper ở Việt Nam
Như đa số các nơi trên thế giới, ở Việt Nam, Cooper Black cũng được sử dụng nhiều hơn các kiểu còn lại trong bộ Cooper. Nhóm Lưu Chữ của tụi mình cũng tìm thấy Cooper Black trong vài quyển sách về mẫu chữ ở nước mình ngày trước. Ngoài kiểu Cooper Black bình thường này thì còn có Cooper Black Italic cũng được sử dụng ở Việt Nam.
Đó là những hình ảnh trong sách in. Vậy còn ngoài đời thì sao nhỉ? Chắc không cần giới thiệu vì Cooper Black 'đi đâu cũng thấy' mà. Vì đang lưu lạc nơi phương xa nên mình đã nhờ anh Hiếu và anh Huy trong Lưu Chữ chụp lại giúp mình các bảng hiệu ở khắp nẻo đường Sài Gòn. Cooper Black muôn màu muôn vẻ, nào là đèn neon lấp lánh, nào là tô viền, đổ bóng ảo diệu hay được gắn sao lung linh. Có khi các con chữ của Cooper Black cũng hơi bị ép lại hoặc kéo cao lên cho mi nhon hơn. Ơ nhưng mà tụi mình đừng làm vậy nha, tội nghiệp Cooper mũm mĩm lắm.
Không biết bạn còn nhớ chương trình gameshow Đấu Trường 100 của VTV hông? Logo của chương trình cũng được thiết kế bằng Cooper Black. Trang Fandom về logo cũng có ghi lại sự thay đổi của logo Đấu Trường 100 qua các năm.
Cooper Black - Phông của ẩm thực
Chắc bạn cũng thắc mắc sao mình chưa đề cập đến các bao bì sử dụng Cooper Black vì mình muốn dành một phần riêng để nói về chuyên mục này. Với mình, Cooper Black là một phông của ẩm thực Việt Nam. Không biết các bạn ở Sài Gòn có nhớ logo của tiệm bánh Đức Phát này không? Hay là tiệm Xôi Lá Chuối xanh lá sặc sỡ? Hay là bịch snack vị Cua của Kinh Đô?
Mình cũng hay đi chợ người Việt ở Melbourne (Úc) để tìm các nguyên liệu nấu ăn. Mình để ý thấy có các bao bì thực phẩm nhập khẩu từ Việt Nam cũng được thiết kế bằng Cooper Black. Có thể nói là chưa một phông nào mà tần suất mình bắt gặp nhiều như Cooper Black. Lại còn được dùng nhiều trong thiết kế các bao bì thực phẩm và nước uống nữa. Mình cũng nhờ anh Huy trong nhóm thử đi siêu thị ở Việt Nam để tìm các bao bì sử dụng phông chữ này. Xem thử tụi mình đã tìm được bao nhiêu nha.
Bạn có thể xem từng hình bao bì ở trang Are.na này. Đúng thật là khá nhiều công ty dùng phông chữ Cooper Black cho bao bì của họ. Thế nên mình gọi đây là phông của ẩm thực cũng đúng hen!
Hẳn bạn cũng từng một lần nhìn thấy Cooper Black nhỉ? Bạn có thấy về bộ phông này thế nào? Có thể chia sẻ cho mình và Lưu Chữ biết nhé! À, và hy vọng bạn đọc xong bài này đừng bị ám ảnh Cooper Black như tụi mình nha 😢