Bài Nghiên Cứu
Bài 3

Ai cũng có thể viết được chữ đẹp

Các bạn còn nhớ trò chơi mà Lưu Chữ đã rủ các bạn tham gia vào tháng trước chứ? Mỗi người chọn một ký tự mà bạn yêu thích trong bảng chữ cái tiếng Việt, rồi viết câu trả lời lên trên tấm bảng đen—một vật rất quen thuộc với tất cả mọi người khi học tiểu học. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi, các nét chữ này xuất hiện từ khi nào và nguồn gốc của nó ở đâu?

I. Chữ viết bằng tay

Là học sinh, trong quá khứ ai cũng đã từng phải nắn nót đưa tay kẻ theo những dòng chữ mẫu từ thầy giáo, cô giáo hay trong quyển vở tập viết những năm lớp 1, lớp 2. Lúc bấy giờ, Tập Viết là một tiết học quy định trong thời khóa biểu hằng tuần. Môn học này không chỉ là một môn học cơ sở trong chương trình giáo dục ở bậc tiểu học ở nước ta mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới.

LC-B17-15
H.1, H.2 và H.3: Lần lượt từ trái sang phải là 3 hình ảnh của (1) Một quyển sách hướng dẫn phương pháp đọc, viết và chính tả dành cho trẻ em tại Pháp năm 1929. (2) Hệ thống chữ Kurrent Script của người Đức được đưa vào giảng dạy cho các bạn học sinh năm 1887. (3) Vở tập viết Hệ thống chữ mềm Hiragana của Nhật Bản.

Tại Việt Nam, tùy vào tạo hình chữ, kỹ thuật thể hiện hay công cụ viết mà từ đó chữ viết tay có những tên gọi khác cùng ‘họ hàng’ với nhau. Trong bài viết này, Lưu Chữ sẽ nói về lịch sử của những mẫu chữ cơ bản đã từng xuất hiện ở nước ta từ trước đến nay, bao gồm: mẫu chữ Thảo (Cursive); mẫu chữ Đứng (L’écriture Droite); mẫu chữ Rông (Ronde); mẫu chữ Xiên (Bâtarde); mẫu chữ Gô-tích (Gothique).

II. Chữ viết tay của người Việt qua các giai đoạn

Trước khi chữ viết của tiếng An Nam ghi âm theo mẫu tự Latin (sau này là Chữ Quốc ngữ) [1] được phổ cập rộng rãi như bây giờ, người Việt từng sử dụng chữ Hán, chữ Nôm để ghi chép tiếng Việt. Tuy vậy, hai hệ chữ này chỉ thường được các tầng lớp Vua chúa, quan lại và tri thức sử dụng. Số lượng người có thể đọc, viếtvà hiểu nghĩa thực sự chỉ đếm trên đầu ngón tay, như bác Thiếu Khanh có tính toán thử dựa trên số liệu về một cuộc thi Hương tổ chức vào năm 1903, chỉ có khoảng 0,05% người dân lúc bấy giờ có đủ khả năng hiểu được chữ Nôm [2]. Nhưng thực tế này lại thay đổi rất lớn sau khi bảng chữ cái Latin xuất hiện tại Việt Nam vào thế kỷ XVII với mục đích truyền giáo và sau này được vận dụng vào lĩnh vực xã hội cuối thế kỷ XIX. Điều này là vì bản thân các ký tự Latin là để ký âm ‘nói sao viết vậy, dễ học dễ nhớ', thuận tiện dùng trong giao tiếp hằng ngày nên việc phổ cập hệ chữ này tới mọi người có phần đơn giản hơn nhiều so với hệ chữ Hán, chữ Nôm trước đó. [3]

Nét chữ của 100 năm đầu tiên

Với chính sách trực trị của Pháp tại miền Nam, vào ngày 22-2-1869, thống đốc Đông Dương M.G.H. Ohier đưa ra nghị định quy định rằng tất cả các văn bản hành chính từ nay trở về sau sẽ bắt buộc trình bày bằng Chữ Quốc ngữ [4]. Lúc này, ở các trường học, chương trình dạy học được yêu cầu bổ sung thêm việc học đọc và viết bằng chữ Quốc ngữ cùng với tiếng Pháp. Lộ trình này được đặt ra với mong muốn việc sử dụng chữ Hán, chữ Nôm tại miền Nam sẽ được loại bỏ hoàn toàn.

Đến đầu thế kỷ XX, những quy định tương tự như trên mới bắt đầu áp dụng lần lượt tại miền Bắc và miền Trung. Tuy nhiên, đa phần những tài liệu như sách văn học, tư liệu quan trọng được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm lúc bấy giờ vẫn chưa được chuyển ngữ sang chữ Latin. Từ việc vội vã áp dụng tại Nam Kỳ (tên gọi miền Nam lúc bấy giờ), người Pháp buộc phải giữ việc duy trì giáo dục bằng chữ Hán, chữ Nôm bên cạnh Chữ Quốc ngữ.

LC-B17-12
[5] Hai trang đầu trong quyển sách Mở Lòng trình bày về việc phân biệt giữa mẫu chữ dùng cho lối viết và mẫu chữ dùng cho in ấn (hay dùng để đọc). Các ký tự Hán-Nôm vẫn được dùng để phiên âm cho các ký tự Latin.

Song song với việc đưa loại chữ này vào giảng dạy, trong các tập sách hướng dẫn dành cho giáo viên bắt đầu xuất hiện những mẫu chữ mới. Trong cuốn 'Mở lòng' của tác giả Thanh Tùng [5], hai mẫu chữ: Copperplate (Cursive — chữ Thảo) — chữ viết tay và Roman — chữ in dùng để học ghép vần được giới thiệu trong những trang đầu tiên, cùng với ví dụ về lối viết chữ hoa, chữ thường và chữ số. Lúc này, các ký tự Hán-Nôm được sử dụng ghi chú phía dưới để chỉ dẫn cách phát âm cho các ký tự Latin.

LC-B17-16
H.4: Tên gọi Chữ thảo (Cursive) cũng xuất hiện trong tập sách Nghệ thuật Viết chữ. Bùi Bá Nghệ. Nghệ thuật viết chữ, (38–39), In lần thứ hai tại nhà in Nam Phương, Chợ Lớn, Xuất bản tại tỉnh Bạc Liêu, Năm 1959.
LC-B17-18
H.5: Chữ thảo trơn cho lối viết thường, chữ thảo hoa cho lối viết hoa. Từ cách cầm viết, chia hàng cho đến nét chữ cũng được tác giả trình bày cụ thể trong sách. Bùi Bá Nghệ. Nghệ thuật viết chữ, (38–39), In lần thứ hai tại nhà in Nam Phương, Chợ Lớn, Xuất bản tại tỉnh Bạc Liêu, Năm 1959.
LC-B17-13
[6] John Jackson là một trong những nhà nghiên cứu ở Anh đề cập tới việc viết chữ thẳng hay nghiêng có ảnh hưởng tới tư thế ngồi của học sinh. Điều này thực tế là do học sinh chứ không phải do chữ viết, nhưng cũng là một ý thú vị để xem xét khi cân nhắc về các loại chữ khác nhau được sử dụng trong học đường.

Chữ Quốc ngữ sau giai đoạn này bắt đầu được dạy trong chương trình giáo dục của ba miền, dẫn đến việc rèn chữ cũng cần thay đổi để thích nghi với bối cảnh đó. Trong cuốn ‘Nghệ thuật viết chữ’ của tác giả Bùi Bá Nghệ, ông cho rằng chúng ta đã bắt đầu tham khảo từ các chương trình giáo dục chữ viết quốc gia của người Đức và người Anh [6]. Thực tế, vào cuối những năm 1890, đầu 1900, tại châu Âu đã xuất hiện những nghiên cứu về chữ viết trong hệ thống giáo dục. John Jackson đề cập đến việc giới thiệu mẫu chữ Đứng (L’écriture Droite) thay thế cho chữ Thảo (Cursive) ở giai đoạn đầu tiên. Để viết được mẫu chữ Thảo, người viết phải xoay giấy theo đúng góc hoặc dùng đúng bút chấm mực có góc nghiêng 55°. Cách viết chữ Đứng dễ dàng hơn nhờ vào tư thế ngồi viết thẳng lưng và chú trọng đến khoảng cách từ vở đến mắt người viết. Nhưng trong thực tế, vẫn có nhiều tranh luận về sự thay đổi này, bên thì cho rằng chữ đứng có nét ngắn hơn nên việc đưa tay ít hơn so với chữ nghiêng nên sẽ tiết kiệm được thời gian. Bên còn lại thì nói về 'tính kinh tế’ của chữ nghiêng khi trình bày trên một trang giấy. Kẻ tám lạng, người nửa cân, nhưng dù gì đi chăng nữa sự xuất hiện của chữ viết Đứng cũng đánh dấu một cột mốc quan trọng cho việc chuyển mình trong chữ viết của học sinh ở Châu Âu. Điều này được học hỏi và áp dụng lại tại Việt Nam cho đến tận ngày hôm nay.

LC-B17-14
[6] Đây là chữ của một bạn học sinh 14 tuổi ở Anh viết lúc bấy giờ. Mặt chữ của bạn không khác gì nhiều so với mặt chữ viết đứng của các bạn học sinh Việt Nam ở hiện tại.
LC-B17-19
H.6: Sau Chữ thảo, mẫu chữ Đứng (L'Écriture droit) cũng được bác Huỳnh Bá Nghệ nhắc đến từ việc tham khảo các chương trình giáo dục chữ viết của hai nước Anh và Đức sau năm 1945. Bộ Giáo dục áp dụng mẫu chữ này cho tất cả các trường tiểu học trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
LC-B17-20
H.7: Chữ đứng trơn cho lối viết thường, chữ đứng hoa cho lối viết Hoa. Ngoài hướng dẫn về kỹ thuật Viết, trong sách cũng đề cập đến tư thế của người ngồi viết, khoảng cách khi viết như các nghiên cứu từ các nước khác nhau.
PV0012127
H.8: Ảnh từ một lớp học bậc tiểu học tại Hà Nội giai đoạn 1920–1929. Đáng chú ý bạn có thể thấy trên bảng, các giáo viên đang hướng dẫn học sinh của mình làm quen với mẫu chữ Đứng (L'Ecriture Droit).

Khi người Việt chủ động sử dụng Chữ Quốc ngữ

Từ năm 1938 đến năm 1945, các hoạt động khuyến khích sử dụng Chữ Quốc ngữ của các tầng lớp tri thức người Việt trong nước bắt đầu được đẩy mạnh [8], nổi bật là phong trào ‘Bình dân học vụ’ với mục tiêu phổ cập chương trình học đọc và viết chữ đến với mọi lứa tuổi người dân. Trước khi có phong trào này, theo ông Ngô Văn Cát ghi nhận cứ 100 người Việt Nam thì có 3 trẻ em (8-16 tuổi) và 2 người lớn biết chữ, 95 người còn lại thì không. Nhưng sau khi 'Bình dân học vụ' ra đời, chỉ trong năm đầu tiên, phong trào đã xóa mù chữ cho hơn 2,5 triệu người, đào tạo được 96.000 giáo viên, mở được gần 75.000 lớp học. Đến năm 1950, gần 12,2 triệu người biết chữ (chiếm gần 49,1% dân số Việt Nam lúc bấy giờ). Bên cạnh đó, để cho việc học chữ dễ dàng hơn, ông Hoàng Xuân Hãn—một thành viên cố vấn trong Hội Truyền bá Chữ Quốc ngữ đã sáng tạo ra 'Phương pháp ‘I-tờ’ bằng cách đưa các câu Vè lục-bát nhằm phân biệt đặc điểm của những chữ cái với nhau [9].

LC-B17-06
H.9: Một lớp học Chữ Quốc ngữ trong phong trào Bình dân Học Vụ năm 1945. Địa điểm diễn ra nay thuộc Nhà tù Hỏa Lò hay Maison Centrale tại Hà Nội. Sưu tầm cá nhân của bác Marcelino Trương, đang sinh sống và làm việc tại Pháp.

LC-B17-17
H.10, H.11 và H.12: Lần lượt từ trái sang phải là 3 hình ảnh của (1) Một trong những tài liệu hướng dẫn giáo viên được sử dụng trong chương trình Bình dân học vụ. (2) Chữ đứng được sử dụng để minh họa nội dung học Vần và Tập đọc. Có thể thấy được giáo viên vẫn còn sử dụng chữ Nho đánh dấu bằng bút chì phía dưới để có thể phát âm được. (3) Phương pháp I-tờ: bằng việc lồng ghép các câu Vè lục-bát từ 2–4 dòng miêu tả cấu trúc của một chữ cái tiếng Việt.
LC-B17-6
[10] Giấy khen gửi đến trường Lasan Taberd (1874–1976) vào năm 1972. Lưu trữ tại thư mục hình ảnh của trường Lasan Taberd tại Sài Gòn. Ảnh chỉ sửa dụng với mục đích minh họa cho nội dung nghiên cứu về chữ viết trong bài. 

Những năm 60, ngoài việc sử dụng các mẫu chữ viết tay căn bản để soạn thảo văn thư hay thu thập thông tin ra, chúng ta còn có những mẫu chữ khác mang tính ứng dụng và mỹ thuật nhiều hơn. Mẫu chữ Rông (Ronde — dựa trên bộ chữ Cursive của người Pháp), mẫu chữ Xiên (Bâtarde) hay mẫu chữ Gô-tích (Gothique) cũng được hướng dẫn cho những người muốn nâng cao kỹ năng viết của mình. Những mẫu chữ này đòi hỏi người viết phải đưa tay điêu luyện, tập trung và dành thời gian luyện tập nhiều hơn những mẫu chữ căn bản trước đó. Các dụng cụ hỗ trợ việc viết vào thời gian này cũng đặc biệt và đa dạng hơn so với các loại bút mực thông thường. Những dụng cụ này được sử dụng để nhấn nhá cho các tiêu đề, thư mời, bằng khen hay các ấn phẩm đồ họa đặc biệt.

LC-B17-8
H.13: Một đặc điểm tiêu biểu trong các mẫu chữ viết tay đó là nét lớn — nét đậm (pleins) và nét nhỏ — nét thanh (déliés) tạo ra được khi ta tác động lực từ ngòi bút xuống mặt giấy.
LC-B17-9
H.14: Đối với mẫu chữ Rông dựa trên trục đứng của mẫu chữ Droit nhưng độ tương phản giữa hai nét cao hơn (nét lớn bằng 1/5 của thân chữ) tạo ra bởi ngòi bút Rông riêng biệt. Chữ Ba-tat là kết hợp của mẫu chữ Rông và mẫu chữ thảo. Không mảnh khảnh như chữ thảo, về độ nghiêng, kiểu chữ này nằm xiên một góc về bên phải 63° (đối với chữ thảo là 53°).
LC-B17-10
H.15: Sự khác nhau được thể hiện giữa hai mẫu chữ Rông (phía trên) và chữ Ba-tat (phía dưới) viết thường (trang bên trái). 
LC-B17-11
H. 16: Chữ Gô-tích về phương diện tạo hình có độ phức tạp hơn những mẫu chữ khác cùng họ hàng với mình. Với tổ hợp ngoài như nét thanh, nét đậm chữ Gô-tích còn có nét gãy, nét thẳng đứng (viết thường) nét cong, nét tròn và các nét phụ nhỏ (viết Hoa).

Chiến tranh kết thúc và đất nước hòa bình

Thời kỳ này giáo dục Việt Nam có nhiều chuyển biến mới, bắt đầu với công cuộc cải cách giáo dục và sư phạm của Bộ Giáo dục. Trong những năm sau đó, [11] kiểu dáng của chữ viết tay phổ biến dành cho người Việt cũng dần được định hình rõ ràng hơn.

LC-B17-U1
H.17: Quá trình thay đổi hình dạng của chữ H được trình bày theo lối viết thường, viết hoa qua các giai đoạn từ năm 1981 đến 2021. Trong đó, khi xác định được tỉ lệ giữa chiều rộng và chiều ngang từ năm 2002 giúp cho việc rèn chữ trở nên khoa học hơn.
LC-B17-U3
[13] Bảng liệt kê danh sách bốn loại nét phụ cho dấu chữ.
LC-B17-U5
[13] Bảng liệt kê danh sách bốn loại nét phụ cho dấu chữ.
LC-B17-U4
[13] Bảng liệt kê danh sách bốn loại nét cơ bản của mẫu chữ cái trình bày theo lối viết hoa.

Mẫu chữ viết tay tiêu chuẩn [12] mà sau này được áp dụng thông qua quyết định số 31/2002/QĐ–BGD&ĐT được thể hiện ở 4 dạng: mẫu chữ đứng nét đều; chữ đứng nét thanh – nét đậm; chữ nghiêng 15º nét đều; chữ nghiêng 15º nét thanh – nét đậm. Trong đó quy định tại trường tiểu học, học sinh học viết chữ viết thường, viết hoa và chữ số theo kiểu chữ đứng nét đều là chủ yếu. Còn lại các dạng chữ khác cũng được hướng dẫn trong chương trình học tùy thuộc vào giáo viên và điều kiện giảng dạy ở từng địa phương.

LC-B17-U2
H.18: Các mẫu chữ được trình bày trên một khung kẻ ô vuông giúp xác định được tọa độ, tỉ lệ, điểm đặt bút và quy trình viết chữ. Mỗi đơn vị chiều cao hay chiều rộng tạo thành 4 ô vuông nhỏ với các mẫu chữ kèm theo. Một ô vuông bằng 2,5 li tương đương với 2,5 mm trong Tập Viết, phù họp cho trẻ mới học viết chữ. Trong vở học sinh đã được làm quen với nét chữ, kích thước này sẽ là 2 li tương đương với 2 mm.

Kinh tế xã hội được phát triển, dẫn đến việc đầu tư cho một ‘dụng cụ học viết’ cũng đa dạng hơn trước rất nhiều. Từ xuất phát ban đầu là những cán bút được lắp ngòi viết chấm mực hay bút chì, dần dần có sự xuất hiện của bút lá tre, bút kim, bút máy, bút nguyên tử và bút sắt. Việc học viết chữ sau này không chỉ đơn thuần là một môn học vỡ lòng dành cho học sinh tiểu học với các cuộc thi ‘Vở sạch chữ đẹp’ cấp trường, cấp thành phố mà còn trở thành một bộ môn được đưa vào giảng dạy trong môi trường sư phạm đại học dành cho giáo viên tương lai. Các lớp học ‘Luyện chữ đẹp’ cũng dần được mở ra dành cho người lớn muốn cải thiện chữ viết của mình. Việc viết chữ đẹp được nâng lên trở thành một hình thức thực hành nghệ thuật mà ở đó người tham gia học có thể trải nghiệm từ việc tạo ra dụng cụ, chọn màu mực, chọn loại giấy cho đến các kỹ thuật viết và học kẻ chữ một cách đầy thú vị.

Tạm kết

Những chữ viết ngô nghê, nguệch ngoạc mà các bạn đã từng có thời gian rèn luyện trên trường cũng có một câu chuyện dài đằng sau nó như vậy. Các giai đoạn lịch sử dẫn đến sự xuất hiện và phát triển của chữ viết tay tại Việt Nam được Lưu Chữ giới thiệu với góc nhìn đối chiếu với nguồn tư liệu lịch sử còn hạn chế mà nhóm có dịp sưu tầm. Lưu Chữ biết rằng lịch sử chữ viết tay ở Việt Nam vẫn còn nhiều điều chưa được kể. Nhóm sản xuất bài viết này với mong muốn góp một ‘miếng trầu mở đầu câu chuyện’ cho những cuộc hội thoại liên quan tới chữ viết của tiếng Việt sau này.

Nếu các bạn có thêm những tư liệu liên quan tới chữ viết tay — từ các tài liệu chính thống cho tới những trang viết đầy tính cá nhân như thư tay, lưu bút của ông bà, cha mẹ thời bấy giờ còn lưu lại, hãy gửi cho Lưu Chữ vào hòm thư contact@luuchu.com để nhóm có thể bổ sung vào bài viết này trong tương lai nhé!

Chú thích

[1] Trong quyển 'Chữ Văn Quốc ngữ đầu thời kỳ Pháp thuộc' của tác giả Nguyễn Văn Chung có đề cập đến việc chưa tìm ra ai đã đặt tên cho thứ chữ ghi âm theo mẫu tự Latin là ’Quốc ngữ’. Trong thư của P. F. Puginier năm 1887 đã gọi là ‘Quốc ngữ’. Trong các nghị định của Pháp thời kỳ đầu cũng gọi là ‘Quốc ngữ’, hoặc ‘tiếng An Nam ghi âm bằng chữ Latin, chữ Pháp, Chữ Âu châu.

[2] Thiếu Khanh. Ưu thế của chữ quốc ngữ đối với chữ vuông biểu ý, Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn. ’Dân số Việt Nam vào đầu thế kỷ XX ước chừng vào khoảng 20 triệu người. Giả sử cứ 10 người đi học, có một người đi thi, thì số người đi học và biết chữ Hán vào năm 1903 ước chừng là 100.000 người, tức là có khoảng 0,05% dân số biết chữ. Sau 200 năm tiếp xúc với chữ Hán, triều đình sử dụng chữ Hán như văn tự chính thức, người đi học thì học chữ Hán, mà số người biết chữ Hán trong nước chỉ có ngần ấy, trong đó, số người viết và đọc được chữ Nôm, tiếng nói của dân tôc mình càng ít hơn.'

[3] Theo É. Louro - Giám đốc Trường Hậu bổ Sài Gòn (Collège des Administrateurs Stagiaires Saigon) viết trong phúc trình gửi Đề đốc M. J. Dupré, có một đoạn ông miêu tả 'Sau 3 tháng trẻ con thông minh đọc được công báo' hay 'Sau 6 tháng, những đứa trẻ đó viết được. Chúng ta cũng ngạc nhiên thấy những đứa trẻ đó đạt tới những kết quả trong một thời gian vắn như thế, điều mà trẻ con Âu Châu phải mất lâu thời giờ hơn.'

[4] Nghị định 22-2-1869, về việc bắt buộc phải sử dụng chữ viết của tiếng An-nam bằng mẫu tự Âu-châu trong giấy tờ chính thức. Điều 1: Kể từ 1-4-1869 tất cả giấy tờ chính thức: nghị định, quyết định, án lệnh, phán quyết, thông tư v.v. đều sẽ được viết và công bố bằng mẫu tự Âu-châu, với những chữ ký của các người có thẩm quyền. Điều 2: Không một bản dịch nào những văn thư đó bằng chữ Nho sẽ có tính cách đích thực và chỉ có thể được nhận với tư cách chỉ dẫn; nhưng một bản dịch bằng chữ Nho các nghị định và luật lệ để dán thông cáo sẽ được để trên cùng một tờ giấy; bên bản văn bằng tiếng An Nam. Chuẩn Đô đốc Nam kỳ M. G. H. Ohier (Recueil de la Législation et Réglementation de la Cochinchine ler Janvier, năm 1880. trang 272).

[5] Thanh Tùng — Nguyễn Tiến Khang. Sách Mở Lòng (㓜學開心國語) Thư viện Kỹ thuật số Gallica, Pháp. Sách hướng dẫn viết chữ và học vần dành cho giáo viên dùng làm tư liệu giảng dạy Chữ Quốc ngữ vào năm 1923.

[6] Lý thuyết và thực hành chữ Viết (The Theory and Practice of Handwriting) của tác giả người Anh John Jackson được xuất bản tại Mỹ, Năm 1894.

[7] Hình ảnh chụp lại từ một lớp học diễn ra tại Hà Nội (1920–1929). A-5729GGE. Hanoi-Ecole normale d'Instituteurs de Hanoi. Une leçon à l'école d'application (EXP). Các lớp học sẽ do một hoặc hai giáo viên dạy. Số học sinh mà mỗi giáo viên có thể dạy trong điều kiện tốt là 25 người. Mỗi tuần hai lần. (Tập san Hành chánh Trung Kỳ 1911 - Bulletin Administratif de L’annam).

[8] Hội truyền bá Chữ Quốc ngữ (Association pour la diffusion du quoc ngu) được thành lập vào tháng 5, năm 1938 với sứ mệnh thúc đẩy mở các lớp học miễn phí cho tất cả những người không biết chữ, in sách giáo khoa phát cho người học, với những người cùng sáng lập như Nguyễn Văn Tố, Bùi Kỷ, Tôn Thất Bình, Phan Thanh, Phạm Hữu Chương, Quản Xuân Nam, Đặng Thai Mai, Nguyễn Văn Lô, Võ Nguyên Giáp. Các cố vấn Nguyễn Văn Huyên, Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn và Lê Thước.. 'Truyền bá chữ Quốc ngữ ở Bắc Kì' Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia 1, Năm 2019, Hà Nội.

[9] Phương pháp I-tờ được ông Hoàng Xuân Hãn sáng tạo ra với ‘Mục đích làm sao cho trẻ con hoặc người đứng tuổi học không sợ khó, không hay quên, lại lấy học làm vui thích…’ Phương pháp này bao gồm 7 điều. Trong phạm vi bài viết, Lưu Chữ đề cập đến điều thứ 5 đó là việc ông đưa các câu vè lục-bát miêu tả đặc điểm của những chữ cái với nhau.

[10] Giấy khen gửi đến trường Lasan Taberd (1874-1976) vào năm 1972, nay là trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, Tp. Hồ Chí Minh. Mẫu chữ Thảo (Cursive) và mẫu chữ Gô-tích (Gothique) được sử dụng trong giấy khen này.

[11] Các mẫu chữ dùng trong trường tiểu học qua các năm học 1981–1982; năm học 1985–1986; năm học 1986–1987; năm học 2001–2002 và năm học 2002–2003 được liệt kê trong sách Những mẫu chữ đẹp của tác giả Hồng Hiệp tổng hợp.

[12] Quyết định số 31/2002/QĐ-BGD&ĐT về việc ban hành Mẫu chữ viết trong trường tiểu học được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua tại Hà Nội ngày 14-06-2002.

[13] Bảng liệt kê danh sách các loại nét cơ bản của mẫu chữ cái trình bày theo lối viết thường, viết hoa nằm trong sách hướng dẫn Dạy và học tập viết ở tiểu học của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam in năm 2010.

Tham khảo

Sách

1. Đỗ Quang Chính. Lịch sử Chữ Quốc ngữ 1620–1659, Nhà xuất bản Tủ sách Ra khơi, Sài Gòn (1972).

2. Nouvelle Méthode de Lecture. Lecture-Ecriture-Orthographe, (15–16), In tại Pháp bởi Brodarad và Taupin, Hachette Số 79 Đại lộ Saint-Germain, thủ đô Paris, Pháp (1929).

3. Karl Sachs, Césaire Villatte. Từ điển Pháp-Đức. Nhà xuất bản Langenscheidt, Đức (1887).

4. Jim Gleeson. Writing Japanese Hiragana: An Introductory Japanese Language Workbook: Learn and Practice The Japanese Alphabet, (11–12), Tuttle Publishing, Mỹ (2015).

5. Thanh Tùng — Nguyễn Tiến Khang. Sách Mở Lòng (㓜學開心國語), (2–3), tái bản lần thứ 13, Hà Nội (1923).

6. Bùi Bá Nghệ. Nghệ thuật viết chữ, (38–39), (45–46), In lần thứ hai tại nhà in Nam Phương, Chợ Lớn, Xuất bản tại tỉnh Bạc Liêu (1959).

7. John Jackson. Lý thuyết và thực hành chữ Viết (The Theory and Practice of Handwriting), (16), (46), New York, W. B. Harison, Mỹ (1894).

8. Học vần –Tập đọc. Lớp Một. Bổ túc Văn hóa, (28–29), (58–89), Nhà xuất bản Giáo dục Giải phóng (1973) .

9. Việt Trung. Phương pháp Viết chữ, (14–21) In tại nhà in Nam Phương, Chợ Lớn, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn (1962).

10. Hồng Hiệp. Những mẫu chữ đẹp, (8–12), Nhà xuất bản Giáo Dục, Tp. Hồ Chí Minh (2002).

11. Trần Mạnh Hưởng, Phan Quang Thân, Nguyễn Hữu Cao. Dạy và học tập viết ở tiểu học, (6–7), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (2010).

12. Nguyễn Văn Chung. Chữ Văn Quốc ngữ đầu thời kỳ Pháp thuộc, (12), (16), (26), Nhà in Nam Sơn, Sài Gòn (19bsite

Website

1. Thiếu Khanh. Ưu thế của Chữ Quốc ngữ đối với chữ vuông biểu ý, Trường đại học Văn khoa, Sài Gòn.
http://www.nongnghiephaingoai.com/2020/07/17/uu-the-cua-chu-quoc-ngu-doi-voi-chu-vuong-bieu-y-thieu-khanh/

2. Karl Sachs và Césaire Villatte. Hệ thống chữ Kurrent Script — Đức, năm 1887
https://flickr.com/photos/altpapier/51024041147/in/pool-kurrentschrift/

3. Jim Gleeson. Writing Japapnese Hiragana, An Introductory Japanese Language Workbook. Chữ mềm Hiragana — Nhật Bản
https://books.google.com.v /books?id=YtZGCgAAQBAJ&pg=PA34source=gbs_selected_pages&cad=3#v=onepage&q&f=true

4. Thanh Tùng — Nguyễn Tiến Khang. Sách Mở Lòng - 㓜學開心國語, Thư viện kỹ thuật số Gallica, Pháp.
https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k4244240t/f1.item#

5. Biểu đồ dân số Việt Nam giai đoạn từ năm 1950 đến năm 2020.
https://web.archive.org/web/20210122051834/https://danso.org/viet-nam/

6. Hoàng Xuân Hãn. Nhớ lại Hội truyền bá quốc ngữ nhân kỉ niệm 50 năm. Đoàn Kết tháng 9-10-1988, số 405-406, Hà Nội.
https://www.diendan.org/tai-lieu/doan-ket/nho-lai-hoi-truyen-ba-quoc-ngu/

7. John Jackson. The theory and Practice of Handwriting. Năm 1894.
https://archive.org/details/theorypracticeof00jackrich/mode/2up

8. Hội cựu học sinh Lassan Taberd. Giấy khen gửi đến trường Lassan Taberd, Sài Gòn, Năm 1972.
http://www.taberd75.com/hinh xua/hinhxua.html

Chia sẻ bài viết

Ủng hộ Lưu Chữ

Lưu Chữ hướng đến mục đích nghiên cứu và chia sẻ kiến thức đến với cộng đồng. Bằng cách hỗ trợ cho Lưu Chữ, bạn đã hỗ trợ cho dự án một phần chi phí để duy trì hoạt động và xây dựng nền tảng trực tuyến.